NGƯỜI THẦY LƯU DUNG
- Viết để kỷ niệm một chặng đời .
Nửa đêm , dân chúng phá cổng trường , ùa vào chiếm các phòng học để tá túc . Khác với năm 72 ,chỉ dân Quảng Trị , Huế tràn vế Đà Nẵng , năm nay , Huế , Quảng Trị , Hội An , Quảng Nam , Quảng Tín , Quảng Ngãi , Pleiku, Kontum …..đều đổ về đây cả . Các phòng học , kể cả hành lang , sân chơi , sân bóng rỗ phút chốc đã đầy ứ người , nằm ngồi la liệt. Trường cho học sinh nghỉ học , chỉ huy động một số học sinh khiên bàn khiên ghế xếp ở 1 góc của sân bóng rỗ . Nhanh như vậy mà vẫn có một số bàn ghế đã bị chặt phá làm củi đốt . Một số thầy cô mấy hôm nay chẳng thấy đến trường . Có đến thì cũng chỉ đứng chụm năm chụm ba bàn chuyện đi vào Sài Gòn hay ở lại ! Tình trạng tôi cũng nan giải . Ba mẹ tôi vừa từ Huế vào với tôi chiều hôm qua , vô lẻ đi bỏ ông bà ở lại với ai ? Loay hoay không biết làm gì ở trường , tôi lấy xe chạy về nhà .Bà vợ chạy ra đón từ ngoài cổng . Bà láng giềng có người em trai làm ở phi trường , cho biết đã xin được 1 một máy bay quân sự đưa cả nhà đi .Bà là bạn thân của vợ tôi nên rũ gia đình tôi đi cùng .Tôi bỗng có quyết định chớp nhoáng : thôi, cứ đưa vợ con lên máy bay đi vào Sài gòn trước đã , tôi sẽ trở về với ba mẹ , mọi chuyện khác tính sau !
Gia đình tôi và gia đình bà láng giềng chồng chất trên chiếc xe nhỏ .Đến cổng phi trường , người em bà láng giềng đã đứng đợi sẵn , dẫn tuốt ra sân bay quân sự. Máy bay nằm ở đó , nhưng đã đầy ứ cả người ,không thể nào leo lên được , chung quanh người còn bu đông như kiến . Muốn trở về cũng đành chịu , phi trường đã ban lệnh nội bất xuất , ngoại bất nhập . Loay hoay 2 đêm 2 ngày từ sân bay quân sự đến sân bay dân sự .Cứ hễ có chiếc máy bay nào đáp xuống , mọi người lại đùn đùn ùa ra . Lính tráng cũng chạy theo , súng chỉ lên trời bắn đùng đùng để dành đường . Máy bay phải chạy ra đậu ở một góc phi đạo xa hơn ! Đến sáng thứ ba tự nhiên thấy phi trường dòng người vơi hẳn ,tiếng động cơ máy bay quân sự gầm thét yên lặng hẳn . Cửa phi trường được mở toang , phi trường đã được bỏ ngõ ! Tôi dẫn gia đình bươn bã tìm đường về nhà !
Chiều tối hôm đó , tự nhiên bao tử tôi nỗi lên những cơn đau kịch liệt . Gan , ruột như cứ muốn rứt ra , đứt tung đi . Tôi ôm bụng quằn quại ,kêu la . Đến tìm ông bác sĩ thân ở gần nhà thì ông đi đâu mất , cửa nhà đóng im ỉm , khóa ngoài khóa trong mấy lớp . Lết ra bệnh viện Theresa đầu đường thì bệnh viện không sinh hoạt , y tá bác sĩ bỏ đi đâu hết rồi . Phòng bệnh chỉ còn vài ba bệnh nhân bệnh nặng nằm lây lất . May quá , anh Đ.C.T , một anh học sinh cũ lớn tuổi , ở trước mặt nhà cho biết có mấy vị bác sĩ , giảng viên trường Đại Học Y khoa Huế , hiện vào tạm trú tại nhà anh . Anh dẫn một vị qua thăm bệnh cho tôi . Vị thầy cho biết :không phải đau bao tử gì cả , tại lo nghĩ quá . Gắng ngủ một giấc , mai sẽ bình phục ngay . Tài thật .Tôi uống một viên valium , trùm mền nằm ngủ một giấc , sáng hôm sau tỉnh dậy người khỏe khoắn hẳn , cơn đau biến mất . Sau này nghĩ lại : tôi may mắn hơn người bạn thân của mình, anh T.V. , Giám Đốc Giáo Dục tại Ban Mê Thuộc . Tình trạng anh cũng giống tôi , nhưng đến khám tại Bệnh viện thì được bảo loét bao tử , phải mổ cắt bỏ ¾ !
Nằm dài thêm một ngày ở nhà ,chẳng dám đi đâu .Mãi đến sáng hôm sau nữa tôi mới lững thững đi bộ đến trường , định bụng xem thử thành phố thế nào , trường ốc thế nào và có thông báo gì không .
Đứng một mình trên hàng lang của dãy văn phòng, nhìn một vòng bao quát sân trường. Các phòng làm việc đóng cửa im ỉm . Mấy tờ niêm phong dán sơ sài vào mép cửa, bay lất phất trước gió . Chỉ một tờ giấy mong manh vô tri thôi mà sao thấy kiên cố và lạnh lùng chi lạ.Muốn vào phòng Giám Học của mình để lấy môt số vật dụng cá nhân còn để trong đó , mà không vào được .Tôi nhìn lên phía các lớp học . Cửa các phòng mở toang , dân chúng đến ở đã ra về hết , lớp học trống trơ ! Một không khí im lặng bao trùm sân trường cửa lớp . Phía cuối sân, một chiếc xe zíp của ai nằm trơ vơ, chỉ còn chỏng chơ khung sắt . Các bánh xe xẹp ve.Tấm bạt che trần và các ghế ngồi đã bị lấy đi mất.Một góc khung xe bị cháy nám . Sân trường ngổn ngang trăm thứ : giấy lộn, giày dép, áo quần, chăn màn, son, nồi móp méo, lá gói đồ ăn, củi khô, chân những bàn ghế không còn nguyên vẹn .Bên dưới hành lang dài của các lớp học, dọc theo các bồn hoa bị giày xéo, bị đạp gãy, có hai ngôi mộ mới được đắp lên , đất còn chưa khô , hai nén nhang được ai đốt lên , khói bay nghi ngút .Vài chiều trước , một số dân trú tạm tại trường đã dắt díu nhau qua bãi biển Sơn Chà tìm cách leo lên tàu Trường Thành đậu ở đó, đến khi bãi biển bị pháo kích , một số người thương vong ,họ mới dẫn nhau về trường lại .Tôi quay lưng định ra về thì vị tổng giám thị , từ cuối sân đi lên . Anh gọi tôi lại và bảo : Ong K. nói anh đưa hết chìa khóa phòng, tủ cho tôi để tôi trao lại cho ông, và bữa nay anh cũng như tôi không có nhiệm vụ chi ở trường nữa. Tôi lặng lẽ trao hết cho anh rồi ra về , lòng buồn buồn dười dượi . Anh ở ngay trong trường nên là người đầu tiên tiếp xúc với các vị ở trên núi xuống . Bước ra khỏi cổng trường, tôi bị cuốn hút ngay vào một dòng người đang cuồn cuộn, đang sôi sục . Cả một rừng cờ , rừng biểu ngữ bay rợp trời, những bài ca rừng rực , sắt máu , tiếng hoan hô, tiếng đã đảo inh tai nhức óc…Tôi để mình cuốn đi trong cơn sóng ồ ạt đó , bây giờ trở về nhà thì cũng chẳng biết làm gì . Đám đông cuồn cuộn kéo tôi đến ngã năm , đến Chùa Tỉnh Hội, đến Nhà Thờ Đà Nẵng, đến toà thị chính, bao quanh Thanh Bồ , rồi quay vòng lại trường . Cảm thấy đã mệt nhoài, tôi đứng tránh vào bên cánh cổng trường, chờ cho đoàn người ồn ào qua đi , mới lững thửng tìm đường về nhà . Trong lòng chợt nghĩ : mình đang có mặt giữa giòng lịch sử đây, mình đang hiện diện trong những thay đổi lớn lao nhất của một thành phố, của một đất nước. Và cả cuộc đời mình cũng thay đổi từ đây ! Không biết thay đổi sẽ đưa về đâu, nhưng đúng là nó đang thay đổi lớn từng giây từng phút và mình hiện diện trong đó !
Trong các ngày kế tiếp , tôi được lệnh ra Phường trình diện . Mới trình diện về lại được tin phải xuống trình diện Sở Giáo Dục , rồi trình diện trường mình dạy . Một buổi họp được tổ chức chung cho tất cả thầy cô trung học tòan tỉnh, tại Hội trường trường Phan ChâuTrinh . Bước chân vào phòng họp , việc đầu tiên của tôi là đưa mắt nhìn quanh , tìm bạn bè của mình , xem ai còn ai mất , ai đi ai ở ..Phòng họp rất đông các thầy cô lạ . Một số rất lớn các thầy cô trước dạy tại các trường Tư thục nay cũng về đây .Thầy cô cũ của trường chỉ còn khỏang một nửa , một nửa đi đâu chưa về kịp .Khuôn mặt ai cũng chưa hết vẻ bàng hòang . Chúng tôi được điểm danh , làm bản kê khai lý lịch rồi tham dự buổi học tập về chính trị . Chúng tôi biết qua được nhiều thay đổi trong giáo dục tại địa phương . Các trường tư đều được giao cho cách mạng quản lý . Một số trường được giải thể hoàn toàn , cơ sở vật chất được sử dụng cho các hoạt động khác .: trường Nữ HỒNG ĐỨC , trường PHAN THANH GIẢN , trường Bán công NGUYỄN CÔNG TRỨ , trường Nguyễn Hiền , …… Một số trường được đổi tên : trường SAO MAI đổi tên là NGUYỄN VĂN TRỖI , sau đổi nữa là TRẦN PHÚ . Trường BỒ ĐỀ đổi tên là trường NGUYỄN HUỆ , vừa là cấp 2 vừa là cấp 3 , sau là cấp 1 , cấp 2 ……Trường ĐÔNG GIANG đổi tên là HOÀNG HOA THÁM , trường ÁNH SÁNG đổi tên là NGUYỄN TRÃI , chỉ dạy cấp 2 , …..Trường PCT nghe nói cũng rục rịch bị đổi tên , nhưng thời gian sau vẫn thấy im lặng ! Tất cả , trừ các thầy cô dạy môn sử , triết , công dân , nhạc , vẽ , ….được yêu cầu phải đến trường tiếp tục dạy cho hết niên khóa , để hòan thành chương trình cho học sinh , nhất là các lớp cuối cấp , lớp 12. Mọi chuyện khác sau đợt Bồi Dưỡng Chính Trị tổ chức tại Qui Nhơn vào tháng 8.75 , sẽ hay .
Các lớp học ban đầu còn lơ thơ rời rạc , vì một số học sinh đi theo cha mẹ chưa về kịp , hoặc chưa muốn đến trường . Các học sinh 12 các trường Nữ Hồng Đức , Sao Mai , Bồ Đề , Phan thanh Giản , Bán Công , Nguyễn Hiền , Thánh Tâm , Anh Sáng , ….phần đông được cho vào PCT để học . Những giờ không lên lớp , chúng tôi phải tham dự các buổi thuyết trình về chính trị , những buổi chiếu phim , hoặc được phân công đi làm công tác vệ sinh trong thành phố . Tôi còn nhớ ấn tượng đậm lại trong trí mình : xóa mấy chữ hoan hô thay vào đó những từ đả đảo , xóa những từ đả đảo để thay vào đó bằng chữ hoan hô là câu biểu ngữ hoàn thành , đầy đủ ý nghĩa ! Cũng ngậm ngùi dâu bể thật !
Một kỳ thi Tốt Nghiệp được tổ chức cho các lớp 12 . Hội đồng thi đặt tại trường Nguyễn Hiền ( trường Blaise Pascal cũ ), trên đường Độc Lập ( nay là Trần Phú ). Vì giảng dạy tại lớp 12 , nên tôi được phân công coi thi chấm thi kỳ thi này ! Giám khảo Tóan tôi nhớ năm đó khỏang 15 vị , chấm bài cho thí sinh của cả thành phố Đà Nẵng –Quảng Nam –Quảng Tín .Sự kiện đó cũng làm tôi nao nức cả lòng : mình vẫn ở trong lòng sinh họat Giáo dục thành phố , chưa bị lãng quên . Tôi nhớ phải chấm bài bằng bút chì , cho điểm bằng bút chí ở một góc nhỏ của tờ giấy thi . Tôi được bảo sẽ có người kiểm sóat lại và cho bằng bút mực sau !
Chiều hòan thành công việc chấm , chúng tôi được lệnh về nhà nghỉ , chờ đợi . Ai được đi dạy lại , ai đi bồi dưỡng chính trị danh sách sẽ niêm yết sau . Tôi nhớ chiều đó có mưa bay bay , có gío lồng lộng ,sân trường Nguyễn Hiền nhiều lá rụng , ảm đạm , hiu hắt vô cùng . Trời bỗng se lạnh , tôi kéo cao cổ áo , đi ra cổng trường định mua lẻ một điếu thuốc Capstan , hay Ruby Queen , nhưng không có , chỉ có thuốc Điện Biên của miền Bắc mới du nhập vào . Châm lửa , hít một hơi thuốc vào đầy phổi . Mùi thơm của thuốc quyền quyện lấy tâm hồn , sao bỗng say sưa , đậm đà ,ngây ngất đến thế ! Nhưng cũng bỗng dưng muốn khóc chi lạ .Tâm trạng này đến với tôi vì tôi nghỉ chẳng còn bao giờ mình được đi dạy lại đâu , đi chấm thi như thế này nữa đâu !
Thư pháp HOA NGUYÊN SINH
Tôi có tên trong danh sách đi bồi dưỡng chính trị tại Qui Nhơn . Ai được sở Giáo Dục sắp xếp đi học lớp này thì năm học tới sẽ được bố trí đi dạy lại. Mọi người bảo nhau như thế . Ai cũng bảo là trường hợp tôi thì 100% không được đi dạy lại đâu , vì tôi thuộc thành phần Quản lý cũ . Chính tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho mình rồi . Tôi có bao nhiêu dự định .Chính tôi cũng ngạc nhiên khi thấy danh sách có tên mình. Một số bạn tôi khi đến dò không thấy tên đã ra về lặng lẽ . Tôi biết được đi dạy lại hay không , đối với nhiều người là quan trọng , nhưng đối với một số người khác thì không quan trọng gì cả . Tuy nhiên phần đông , như tôi , muốn có một chỗ dựa, một chỗ bám víu , để tạm thời được yên thân . Tôi lên đường nửa vui, nửa buồn. Tôi cố gắng hòa mình với đám đông đồng nghiệp, một số là học trò cũ của tôi, bây giờ đang là lãnh đạo đòan, lãnh đạo lớp . Một số gặp tôi vẫn chào hỏi vui vẻ, nhưng cũng có một số như muốn xa lánh, thấy tôi từ xa là tránh đi. Chắc là tôi có cảm tưởng như vậy. Các bạn bè đồng trang lứa với tôi, cùng tốt nghiệp sư phạm một lần với tôi, tôi tìm khắp chẳng có ai cả, mặc dù lớp học khi đó bao gồm tất cả thầy cô, công cũng như tư ,của tất cả các tỉnh thuộc khu V : Đà Nẵng , Hội An , Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Qui Nhơn,Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Lạt,Pleiku, Kontum , Phan Rang , Phan Thiết .Tôi nghĩ như vậy cũng đúng thôi, vì trừ tôi ra lúc đó chỉ giữ cương vị Giám học quá nhỏ nhoi, các bạn khác của tôi đều đã là Thứ trưởng ,Giám đốc, Hiệu trưởng, Thanh tra .v.v… hết cả . Những người này, với chức vị cao nên đã cao chạy xa bay , hoặc trốn chui trốn dũi ở đâu đó, hoặc đã vượt biên, hoặc đã theo các lớp cải tạo,….Chưa bao giờ tôi thấm thía câu : càng cao danh vọng càng nhiều gian nan như lúc này ! Thành phố Qui nhơn như vắng vẻ hơn những lần trước đây tôi đến, những lần đi chấm thi. Nắng như chói chang hơn . Bãi biển như hoang vu và lộng gió hơn .Tôi nhớ những buổi chen chúc ở Hội trường để nghe báo cáo chính trị, những buổi “ thảo luận “ ở tổ , những buổi thắp đèn cầy ngồi viết “ thu họach “.Tôi ngạc nhiên khi thấy bạn bè quanh tôi sao nắm bắt vấn đề mau chóng quá, sao ăn nói thao thao bất tuyệt hay ho như thế . phân tích lý luận cứ như là một giáo sư chính trị chính cống từ miền Bắc vào.Tôi ngồi nghe mà lòng khâm phục và sợ hãi quá, thấy mình quá ư chậm tiến bộ, thiếu dứt khóat tư tưởng và còn quá lạc hậu ! Cứ mỗi lần đến phiên tôi phải phát biểu là tôi cứ ngậm ngừ , lúng búng, không biết nói gì cả.Tôi chưa quen lối phát biểu theo đuôi , lấy lòng . Tôi chưa quen lối phát biểu một chiều , khen những gì thiên hạ khen , chê những gì thiên hạ chê , khen chê những điều mà mình chưa hiểu cặn kẻ . Có nhiều đêm nằm trăn trở , nghe tiếng hát của một nhóm thầy cô Nha Trang , Phú Yên vang vọng từ một góc sân chơi , mà nhớ nhà , nhớ trường , nhớ học trò chi lạ , buồn chi lạ . Bài hát BẾN CẢNG QUÊ HƯƠNG TÔI động viên ,khích lệ , bày tỏ niềm vui hưng phấn mà sao tiếng hát cứ xoắn sâu vào tim vào óc ,thấy quay quắt , xót xa , nửa như thủ thỉ , nửa như than vãn .
Đêm nào được nghỉ sớm tôi đều ra ngồi bên bờ biển Qui Nhơn với Đặng .Th. Hai đứa cứ ngồi như vậy thôi chẳng nói năng gì cả, nghe sóng vỗ rì rào, nhìn sao trời lấp lánh, cho đến khi lạnh cả người thì về. Sau này Th. được bố trí vào dạy tại Thăng Bình, được mấy năm thì chết vì chứng bệnh bao tử.
Tôi trở về lại Đà Nẵng với tâm trạng mệt mỏi, uể oải , không còn hăng hái phấn khởi vì “được đi dạy lại “ như khi ra đi . Sinh hoạt tại thành phố biển này đang xôn xao , tất bật , quay cuồng đến chóng mặt ! Người cũ thì chạy lui chạy tới lo chuyện đi , lo chuyện tìm công ăn việc làm , lo chuyện thoát nạn bị tịch thu nhà , lo chuyện thoát nạn phải đi kinh tế mới ! . Người mới thì cũng tất bật không kém . lo mua nhà , lo xin phân phối nhà , lo chạy chức chạy quyền , lo chuyện mua sắm ……Thời gian này tôi thèm có bạn bè , nhớ bạn bè chi lạ . Chỉ mong có ai thân thiết , tin cẩn , để tâm sự , để hàn huyên ! Các bạn bè cũ của tôi ở đây đã đi đâu cả ! Tôi một mình đi lui đi tới những con đường của thành phố, đi qua đi lại các cổng trường trước đây mình đã giảng dạy : PCT, SM, BĐ , BC, AS,Th T. ,NCT, DH, N.H.,….Con đường bờ sông Hàn vẫn hai hàng cây tỏa bóng, gió thổi lồng lộng, sóng lặng lẽ vỗ bờ , thủy triều khi lên mặt nước mênh mông , thuỷ triều khi xuống trơ lại một bãi cát vàng hoe ngổn ngang rác rưởi , chai lon, ốc hến ….. Không khí lặng lẽ, bình yên , thanh bình , như thanh bình đã về trên đất nước 30 năm bom đạn . Nhưng cũng buồn bã , cô đơn , ngậm ngùi như tâm hồn tôi lúc đó . Tôi vừa âu lo, vừa nhớ nhung , thương tiếc .Có cái gì đang thay đổi trong tôi thôi thúc, nhưng cũng có cái gì đó đang vật vả, đang xót xa …Một số người rũ tôi vượt biên, một số rũ vào Saigòn, Cần Thơ làm ăn, tôi đều từ chối. Tính tôi nhát gan , ngại dấn thân, nhưng cũng một phần là tôi đang lưu luyến nhiều nơi này, thành phố này, nơi đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Tôi nhủ lòng :thôi chờ xem đến khi phân công mới dạy ở đâu đã , sẽ hay ! Tôi cố hòa mình vào sinh họat mới, kết bạn với một số anh em truớc đây ít gần gũi , vì khác tính nết , khác sở thích . Trong những lần lang thang thành phố không mục đích , tôi gặp được rất nhiều bạn cũ của mình không được bố trí đi dạy lại .Các anh chuyển qua các nghề chân tay : đạp xích lô , đi xe thồ , làm phu bốc xếp ,thợ nề ,buôn bán lẻ , đổi tiền ,…….Tôi phục các bạn bè cũ của tôi quá ! Các anh giỏi quá không ngờ ! TĐQ , trước khi đi học cải tạo , làm phu bốc xếp tại bến Cảng , với người học trò thân tín V.H . Anh V.H bảo thầy thầy cong lưng vác bao gạo mà thương quá ! Anh TTL tài hoa , giai đoạn đầu theo đoàn Hát bội sông Hàn , đêm đêm ngồi bên cánh gà thổi kèn đệm nhạc . Anh NLH , giỏi về nghề rèn , mở tại nhà một xưởng nhỏ sản xuất khung xe đạp , nghe nói “ trúng” lớn vì giai đoạn này quý vị miền Bắc vào rất thích sắm xe đạp mang về ! Thầy TCK làm đốc công cho nhà thầu PVĐ , một lần bị dất đá đổ đè gãy cột sống , nằm một chỗ cho đến ngày mất .Anh Đổ T. , giáo sư dạy vẽ , chuyển qua hành nghề điêu khắc , cộng tác với điêu khắc gia nổi tiếng P.V.H ,nghe nói tiền vào như nước . vì thời gian này các tỉnh thành đang rộ lên phong trào xậy tượng đài kỷ niệm . Anh TGP mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay tại nhà đường Hùng Vương . Một kỷ niệm vui vui : Tết năm đó , 2 đứa con trai tôi , đứa 12 , đứa 13 tuổi , đi hội chợ Xuân , vào chơi gian hàng Loto , loay hoay thế nào lại trúng thưởng một khung xe đạp . tranh nhau khệnh khạng vác về . Tôi chở 1 đứa mang khung xe đạp đó lên bán cho anh TGP , anh mua liền và bảo đây là khung xe do NLH sản xuất ! Về sau TGP vào Sài Gòn mở một sạp báo tại góc đướng Nguyễn đình Chiểu –Hai Bà Trưng . Thầy NTTR buôn thuốc Tây tại chợ Tân Định , một lần bị công an bắt tịch thu hết , tưởng sạt nghiệp may nhờ một người học trò xưa làm lớn can thiệp . Anh TrVH , anh của D.L. ,nhảy tàu buôn chuyến nam bắc , chỉ đi 2 lần thì tiêu ma vốn liếng , vì anh vốn chậm chạp hiền lành quá .Thầy DNT bán đồng hồ chợ trời, sau về phụ vợ bán Pharmacie.!Thầy LLV làm thợ đóng sách cho nhà xuất bản Trường Sơn của ông chủ Sông Đà cũ. Thầy TrĐĐ làm cho xưởng đóng tàu , thầy HA thi công san lấp mặt bằng , đêm nào cũng say bí tỉ bằng cồn pha nước lạnh , sau này chét vì lủng bao tử . Thầy VV làm thầu khóan ,phụ tá cho ông già vợ TTC .thầy LQM làm thợ cho VV . Thây LTB , thầy ĐĐKh chụp ảnh dạo ……. Nhiều . Còn nhiều nữa , tôi không nhớ hết ! Tôi cũng biết một số anh chị chỉ hoạt động để chứng tỏ có công ăn việc làm kẻo phường buộc đi kinh tế mới , nhưng cũng rất đông các anh chị mưu sinh thực sự ….Cũng nhiều kỷ niệm buồn tôi nhớ mãi đến tận bây giờ . Một lần đi đến đầu kiệt, tôi thấy thầy Th. đang ngồi trên xe thồ , chờ khách . Tôi dừng lại định đến chào anh . Anh giả lơ , quay mặt đi nơi khác , dù tôi đã gọi tên anh rất to mấy lần . Một lần khác , đi qua đường bờ sông , gần bến cá , tôi thấy anh bạn cũ T. đang ngồi trên xe thồ của mình , tay cầm một ổ bánh mì nhai nhồm nhoàm . Tôi dừng xe lại , định đến chào hỏi , trò chuyện cho vui . Chợt thấy tôi đến , anh vứt ổ bánh mì đang ăn trước mặt tôi rồi rú xe chạy mất ! Còn lắm lắm chuyện dở khóc dở cười nữa . Tôi không trách không giận gì mấy anh , nhưng lòng sao thấy buồn thấy cô đơn không tả !
Đến giữa tháng 9 của năm đó thì phân công nơi dạy được niêm yết. Hội An ,Quảng nam, Quảng tín và Đà nẵng bấy giờ được thu về một mối , trực thuộc Sở Giáo dục Đà Nẵng .Do đó nhiệm sở rộng bao la, trải dài từ chân đèo Hải Vân đến tận Núi Thành ,giáp biên vơí Quãng Ngãi .Mặc dầu biết tin từ sáng sớm, nhưng tôi để đến gần 12 giờ trưa mới đi bộ tà tà đến Sở Giáo dục, lúc bấy giờ còn nằm ở đường Yên Báy để xem .Tôi chắc mẫm phen này mình sẽ bị đẩy đi rất xa, xa nhất. Do đó khi đi ngang trường PCT, tôi nhìn trường ngậm ngùi , đưa tay vẫy và lòng nhủ thầm: Xin chào ! Xin chào ngôi trường của ta ! Danh sách dạy Toán tại PCT tòan là những tên tuổi mới, nhiều người lạ hoắc, chỉ có tên thầy Bùi Tấn và tên tôi nằm lọt vào đó. ( thầy Bùi Tấn chỉ dạy khoảng 1 tháng thì xin nghỉ , vào Sài Gòn ở , cho đến ngày mất ) .Tất cả các thầy cô nguyên dạy tại PCT trước đây đều được phân công đi dạy tại trường khác hết : Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An , Tam Kỳ ,Núi Thành…….Cũng có vài vị được giữ lại thành phố, nhưng đều đến trường khác : Nguyễn Huệ (Bồ Đề) ,Hòang hoa Thám, Thái Phiên, Trần Phú, Nguyễn Trãi,…. ( Sau này , khi cấp 2 và cấp 3 tách riêng ,trường PCT trở thành trường cấp 3 hoàn toàn , mới có thêm một số thầy cô cũ về PCT nữa ) . Cảm giác ban đầu của tôi là mừng lắm, nhẹ nhàng cả người, rồi sau đó mới ngạc nhiên . Nhiều bạn bè lúc đó nghĩ tôi là cách mạng cơ sở , là hoạt động nằm vùng , nên mới được ưu tiên như vậy. Vị thầy tạm lãnh đạo trường PCT cũng qua Sở thắc mắc sao để lại tôi như vậy, khó làm việc ! Niềm vui ban đầu của tôi cũng chóng qua đi.Sau này tôi vẫn nghĩ nếu năm đó không được phân dạy tại PCT chắc là đời tôi đã rẽ qua một ngã khác . Không biết là xấu hơn hay tốt hơn bây giờ . Mãi đến 27 năm sau , trong một lần Họp Mặt Học Sinh cũ tại một quán nhậu ở Làng Hoa Gò Vấp , tôi mới rõ lý do vì sao tôi được phân công dạy tại PCT . Đó chỉ là kỳ ngộ của tôi và học trò cũ một thời của mình! Tôi đến trường làm việc ngay ngày hôm sau .Trường có nhiều thay đổi . Phòng Tổng Giám Thị trước đây được dẹp bỏ hoàn toàn , thay vào đó là văn phòng Đoàn . Phòng thí nghiệm không dùng nữa , trường lấy 3 phòng học để làm phòng Bộ Môn . Thư viện cũng đóng cửa , hình như định dùng làm phòng Truyền Thống , trường lấy 2 phòng học trên lầu để làm thư viện . Trường có nhiều thầy cô lạ.Nhiều thầy cô trẻ trước đây dạy tại các quận huyện xa xôi, tại miền núi nay được điều về PCT . Nghe nói đây là các thầy cô con gia đình liệt sĩ cách mạng , có công với cách mạng . Một số lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường tư bây giờ cũng đến dạy ở đây. Nhiều vị trong đó được phân công vai trò lãnh đạo .Chính tôi cũng ngạc nhiên vô cùng: không ngờ có những người lâu nay tôi vẫn giao du trò chuyện lại chính là cán bộ của cách mạng . Một số thầy cô cũ mới đây còn xanh rờn bỗng dưng chuyển quá đỏ lòm đến kinh ngạc !Nhìn lý lịch mấy anh chị kê khai mà rùng mình ! Cả một danh dách dài thườn thượt toàn bà con hoạt động cách mạng !
Một số rất đông thầy cô từ miền Bắc vào, một số thầy cô từ trên núi xuống , phần nhiều được bố trí về dạy tại PCT, vì PCT xem như trường cấp 3 lớn nhất của Đà nẵng. Tôi nhớ là một thời gian sau không còn thấy một số thầy cô này đâu cả . Nghe nói quý vị đã được kéo lên dạy ở Đại học.Ngay cả một số thầy cô trung học cũ có lý lịch tốt cũng được kéo lên dạy Đại học , vì lúc bấy giờ Đại học đang thiếu thầy trầm trong .Cũng nhờ vậy , một số bạn bè cũ cuả tôi trước đây không được bô trí dạy lại vì bị “chê” lý lịch , bây giờ được Sở GD gọi lại .Chúng tôi sinh họat chuyên môn chung, họp hội đồng chung, nhưng phần cuối bao giờ cũng được cho ra về trưóc, các vị được chọn lựa ở lại sinh họat chính trị, hoặc để vạch ra các kế họach cho tất cả thi hành. Ôi ! Tôi nhớ mãi thời gian này : các buổi họp kéo dài như vô tận , không giờ không giấc chi cả . Họp sáng , họp chiều , vẫn chưa xong , hẹn tối họp tiếp ! Không khí các buổi họp bấy giờ hòan toàn khác các buổi họp trước đây . Tôi nhớ các buổi họp trước đây tranh cãi sôi nổi , lời qua tiếng lại nhiều khi như sắp gây lộn ! Các buổi họp bây giơ chỉ có vị lãnh đạo nói , tất cả chỉ yên lặng ngồi nghe và ghi chép ! . .Chấm thi chúng tôi chỉ có mặt khi làm giám thị, khi chấm bài. Chấm xong là nghỉ, có một bộ phận riêng, lo việc vào điểm, cộng điểm, lấy kết quả. Chấm thi tôi phải chấm bằng bút chì, và chỉ được cho đỉểm bằng bút chì ở mép của tờ giấy thi . Có lần tôi nêu thắc mắc một cách thân mật với một anh bạn miền Bắc cùng ngồi chấm bài, thì anh bảo : anh cứ lo phần chấm thi, các việc khác đừng thắc mắc , đã có đoàn thể lo .Những người bạn mới của tôi có tài ăn nói rất lưu lóat , lý luận rất chặc chẻ, mổ xẻ các vấn đề rất lôgic. Các anh chị hay nói theo một chiều : ta cái gì cũng tốt, cũng hay , địch cái gì cũng sai, cũng xấu . Tôi có cảm tưởng các anh chị có tâm lý là : ai nêu cái xấu của ta , ai chỉ ra cái sai của ta, tức là chống đối ta ! Một điều ngạc nhiên nữa là giáo viên phần lớn là nữ , họa hoằn mới có một vài người nam. Tìm hiểu thì tôi đươc biết phần lớn nam đều nhập ngũ để chiến đấu , vả lại nghề thầy giáo là một nghề mạt rệp nhất ở miền bắc, nghèo đói và nhọc nhằn nhất, do đó những đàn ông còn lại không đi lính , hoặc được giải ngũ về , phần lớn theo các nghề khác kiếm ra tiền dễ hơn : đi tàu viễn dương, nhân viên hải quan , thuế vụ ,ngân hàng, công an kinh tế,… Dần dần tôi thấy nhận định này hòan tòan đúng. Trước đây một người đi dạy như tôi có thể nuôi sống cả gia đình 5, 6 người , lương mỗi tháng ăn tiêu xong có thể mua được 2, 3 cây vàng để dành nếu không hoang phí . Bây giờ tiền lương không đủ để lo cho thân mình ! Nhiều khi lãnh lương ra, cầm vài tờ bạc bèo xèo trong tay , tôi nghĩ ngán ngẩm và buồn chi lạ. Mỗi dịp lễ , dịp Tết , chúng tôi được ưu tiên cung cấp cá , thịt , vài gói mì chính , đường , nước mắm , dầu ăn …., hai hay ba người một lon sửa bò , một cái săm hay một cái lốp xe đạp ,….. Mỗi người tự chọn một dấu hiệu cho riêng mình , một que củi , một chiếc lá , một viên sỏi , một cục phấn , …. Các phần quà được chia lô , một thầy cô đến từng lô bỏ lại một dấu hiệu đã chọn . Dấu hiệu của ai nằm ở lô quà nào thì nhận lô ấy ! Cũng vui và nhiều khi buồn cười đáo để . Tôi nhớ có lần tôi và 2 thầy nữa được chia một chai bia . Tôi và anh Th . muốn khui ra uống quách , thầy thứ ba thì đòi bán ! Một kỷ niệm nữa mà tôi cứ nhớ mãi : một lần , chúng tôi được nhà trường phát cho một phiếu để mua củi đốt . Tôi mượn chiếc xe ba gác của một anh học trò cũ ở gần nhà ,rũ thêm đứa con trai , hai cha con kéo chiếc xe ba gác lên bến củi , trên đường Tiểu La , gần Cổ viện Chàm , gần nhà tôi trú ngụ ngày nào , để nhận . Chờ gần nửa ngày , mới lãnh được 1 ôm củi , phần nhiều là những thanh nhỏ , có một gốc to bự thôi . Hai cha con tôi kéo xe chở củi về tà tà đường bờ sông Bạch Đằng , mồ hôi mồ kê nhể nhải , nghĩ trong lòng cũng lãng mạn , gian nan phong trần thật !. Số củi gia đình chỉ dùng được những cây củi nhỏ , cây lớn thì chịu , để đó , vì không có dụng cụ để cưa xẻ ! Một thời gian sau , đem cho bà láng giềng nấu cám nuôi lợn gần nhà !
Năm học đầu , tôi được phân công dạy tóan ở 5 lớp 12 , vì giáo viên còn thiếu và phần đông không muốn dạy các lớp cuối cấp , chương trình lạ ,và các lớp này hay bị lãnh đạo quan tâm ,phụ huynh phê bình ! . Học sinh các lớp 12 là đông nhất trong trường. Học sinh 12 các trường PCT, HĐ, PTG, BĐ, SM, BC, NH , DH, TT,… công cũng như tư, phần lớn đều dồn về đây hết. Một kỷ niệm êm ái mà tôi nhớ mãi đến bây giờ : các em nữ sinh trường HỒNG ĐỨC cũ , vì trường bị giải thể , thầy cô các em phân tán mỗi người mỗi ngã , có được đi dạy lại cũng đến dạy các trường khác , nên khi được học với tôi , các em mừng lắm , xem tôi như tri kỷ , như người thầy quen biết để thố lộ tâm giao , để vui buồn hàn huyên tâm sự ……Tr.T.M , Ng.B , N.L ,L. H. , H.Ng. , Th., K.Y, ………nhiều lắm . Các em này chỉ học một thời gian rồi phần lớn ra nước ngoài , theo diện này hoặc diện khác . Chỉ buồn là 15 , 20 năm sau , tôi có nghe tin các em về thăm V.N , nhưng chẳng thấy có em nào đến tâm sự lại với mình cả ! Bây giờ không còn vấn đề học sinh công, học sinh tư nữa, mọi học sinh đi học là được hòan tòan miễn phí và không phải đóng bất cứ một lệ phí nào cả .Đó là một điều mà các vị lãnh đạo tôi lúc bấy giờ rất hãnh diện, cứ ca đi ca lại hòai . Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả lại trở lại như cũ.Vì với số lượng học sinh lớn nhà nước đâu kham nỗi như trước nữa . Lại có lệ phí này, lệ phí nọ , đủ thứ .Trường bán công, trường tư thục lại được mở ra, học sinh phải trả tiền., trả mọi chi phí này nọ, và lại có phần nặng nề hơn trước .
Trong thời gian này có nhiều chuyện làm tôi ray rứt , trăn trở , nhưng chẳng biết ngõ cùng ai! Chỉ biết im lặng thở dài ! Chuyện chọn đề thi làm tôi bực mình , đau lòng không ít ! Thí dụ các đề thi đại học được rút ra từ các sách HƯỚNG DẪN ÔN THI VÀO ĐẠI HỌC được xuất bản bán tràn lan , số lượng rất lớn . Đề thi được lấy như toàn bộ trong các sách in bán sẵn đó ! Đầu năm lớp 12 , tất cả học sinh đều phải kiếm tiền để mua các sách này để luyện , hi vọng vào thi trúng tủ ! Tốn cả một gia tài ! Làm giàu thêm cho một số thầy cô lớn …… Sự việc này , môt thời gian sau mới bỏ ! Tôi có tính luôn luôn đối xử công bằng với mọi học sinh , học sinh học giỏi , học sinh học kém , học sinh tốt, học sinh xấu đều phải được đối xử như nhau trong học hành , không thiên vị , không bất công . Chuyện thi tuyển vào lớp 10 , vào Đại học đặt nặng vấn đề lý lịch quá ! Nhiều khi điểm chọn trúng tuyển cách nhau đền 6 , 7 điểm .! Vì vậy , nhiều em học sinh học giỏi thi không đậu , em học yếu hơn lại đỗ ! Tôi nghĩ muốn nâng đỡ , muốn giúp đỡ em nào thì nên giúp đỡ cụ thể hơn , thực tế hơn , chứ nâng đỡ bằng cách giảm điểm trúng tuyển như vậy là không nên , nó làm cản trở việc học hành của các em học giỏi cùng lớp , làm cản trở sự giảng dạy của thầy cô , nó. tạo ra một lớp người ỷ lại , èo uột ! Đành lặng yên mà lòng buồn rười rượi .! Từ đây , mỗi lần chấm thi tôi không còn cẩn thận như xưa nữa .Cuối niên học , học trò tôi thi Tốt nghiệp Trung học rồi đi thi Đại Học.Tôi biết thi cũng chỉ là cho có hình thức , chứ không phải là khâu quyết định.
Mấy năm sau, đường lối thi cử được thay đổi , thoáng hơn, rộng rãi hơn, công bằng hơn nhưng cũng đã làm phí đi của đất nước bao nhiêu là nhân tài , bao nhiêu là chất xám.Tiếc thật ! Và cũng đáng trách thật !
Các em học sinh miền Bắc càng ngày vào trường càng đông . Hồi đó 2 miền Nam Bắc theo 2 hệ phổ thông khác nhau . Miền Bắc học theo hệ 10 năm , miền Nam theo hệ 12 năm. Các em miền Bắc lớp 10 được xếp vào học lớp 12 , lớp 9 được xếp vào lớp 11 , lớp 8 vào học lớp 10 ở miền Nam . Như vậy là ngành giáo dục đã căn cứ vào thời gian sắp ra trường trung học của học sinh mà xếp lớp ! Thời gian học khác nhau , chương trình khác nhau , trình độ khác nhau , hoàn cảnh học sinh khác nhau , các em miền Bắc vào thì một số phấn khởi quá độ , các em miền Nam một số gia đình đang phân tán , cha đi cải tạo , mẹ lo chưa ra công ăn việc làm , nhà cửa bị trưng thu , ….nên việc đến lớp nhiều khi chỉ là cho có ! ….Vì vậy , giai đọan này nắm được lớp để giảng dạy thật là khó khăn . Tôi không hiểu đã dạy thế nào mà các em đều hiểu bài mình giảng cả , đều muốn được mình giảng dạy cả ! . Cũng may ! Tôi nhớ có năm trường gom tất cả con em liệt sĩ cách mạng , thành phần được ưu đãi nhất cuả trường lúc này , vào một lớp riêng , rồi phân công tôi giảng dạy liên tục cả 3 năm môn Toán : 10 C8 , 11 C8 , 12 /2O . Một điều vui vui mà tôi nhớ mãi : lớp có hơn 10 hoc sinh tên Hà , mười học sinh tên Thủy , gần mười học sinh tên Hương …… Gọi tên mà không gọi cã họ thì không em nào lên bảng cả ! Nghe nói bây giờ các em đều thành đạt và đang giữ những nhiệm vụ , những chức vị cao trong xã hội . Tôi cũng nghe vậy thôi , chứ từ khi ra trường đến giờ , tôi chưa gặp lại được em nào cả ! Tôi còn học thêm được rất nhiều điều ở các đồng nghiệp mới, từ các vị lãnh đạo mới , nhiều khi nhiều điều làm tôi chới với ! Quý vị nói rất nhiều , nhưng nhiều khi nói một đằng làm một nẽo ! Nói rất nhiều rất hay nhưng làm được gì thì làm , không thì thôi , nhiều khi làm ngược lại điều mình nói !. Một lần tôi được cử coi thi Tốt nghiệp trung học . Trước khi coi thi chúng tôi phải học nội qui kỹ lưỡng : không cho học sinh quay cóp, học sinh phải ngồi cách biệt nhau đúng qui định,…..Thôi thì đủ bao nhiêu qui định !.Tôi vào phòng thi, các học sinh trong phòng đã kéo các bàn ghế vào sát với nhau để dể trao đổi, dể xem bài nhau. Để thực hiện đúng nội qui, tối đích thân kéo rời các bàn ghế ra cho đủ khỏang cách bắt buộc . Hành động này của tôi đã bị vị Hiệu trưởng trường, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng thi phản đối ! Năm đó , trường tôi đỗ đến 99,5 % . Như vậy mà vị Hiệu trưởng vẫn còn nhăn nhó: chúng ta thua trường HHT, họ đỗ 100% ! Dạy học cũng như tất cả các công việc khác, không cần thực chất, chỉ cần bám chỉ tiêu. Trường dựa vào chỉ tiêu cao để tuyên dương để khen thưởng , mặc dù luôn hô hào nêu cao thực chất ! Cô T. có lần bị phê bình nặng nề vì điểm tổng kết môn học kỳ quá thấp, so với lớp bên cạnh.Tìm hiểu thì cô giáo lớp bên cạnh, trước khi cho học sinh thi kiểm tra, chỉ yêu cầu học sinh học 1 bài trong số các bài của chương trình, còn cô T. thì yêu cầu học hết những gì cô đã dạy !
Có nhiều danh từ mà khi nghe nói lần đầu thật tình tôi chẳng hiều gì cả, như danh từ “ cấy điểm “ . Thế mà chuyện đó là có thật, và là hiện tượng rất phổ biến . Thấy tôi lắc đầu ngao ngán, một người bạn bảo tôi : cho điểm bao nhiêu là quyền của ông thầy, tại sao mình không tận dụng cái lợi thế đó ? ! Tôi có lần tận mắt chứng kiến Anh chấm bài kiểm tra : chỉ 10 phút nghỉ giữa giờ mà Anh chấm xong xấp bài của một lớp có 60 học sinh ! Có bận bà Hiệu phó chuyên môn của trường đã phê bình Anh giữa buổi họp , nửa đùa nửa thật : anh cho điểm vào cả đơn xin phép của học sinh !..Những năm đầu này , phần lớn học sinh đều phải học ngoại ngữ là tiếng Nga , một ngoại ngữ mà học xong để đó , không biết để làm gì cả . Thời gian này , muốn con em được phân vào học lớp Anh văn , phụ huynh phải quen biết , phải vận động .Môn tiếng Nga được các thầy cô miền bắc vào giảng dạy . Sau này , khi lớp tiếng Anh phát triển , lớp tiếng Nga chỉ còn lẻ tẻ , các thầy cô này được chuyển qua dạy tiếng Anh cả !
Thời gian đầu , các vị lãnh đạo trực tiếp của tôi nhiều vị có vẻ ỷ thế công thần quá, thiếu tôn trọng người đối thoại , đôi vị hẹp hòi , thiển cận ,lạc hậu nữa . Tôi nhớ một lần họp Hội đồng , một cô giáo trẻ đã bị phê bình cay chua , chỉ vì cô mặc chiếc áo hở hai bên sườn. “”Cô đi dạy hay đi thi hoa hậu . Ăn mặc như vậy học trò làm sao ngồi học cho được !! “ Tôi nhìn xuống cô giáo , thấy cô cúi gầm mặt xuống , đỏ mặt tía tài mà tội nghiệp ! Tôi nhớ có một lần , cô Th. tổ chức tiệc Giáng sinh Nửa Đêm , có mời một số học sinh cán bộ của lớp mình chủ nhiệm tham dự . Thế là hôm sau , bị Giám Hiệu phê bình cay đắng liền . “ Cô định lôi kéo học sinh phải không ? “
Có nhiều chuyện mà nếu không chứng kiến tận mắt chắc chẳng bao giờ tôi tin là có thật .Tôi cũng biết giai đoạn nào có đặc tính của giai đoạn đó , điều hôm nay đúng chưa chắc ngày mai vẫn đúng , điều hôm nay làm ngày mai phải thay đổi thôi . Tôi luôn nhủ lòng mình như vậy , xem như chỗ để bám víu , để tin tưởng . Tôi tham gia vào mọi hoạt động của trường . Ngoài việc dạy văn hoá , tôi luôn có mặt ở những đợt lao động trồng cây , trồng rừng , vét sông , đào hồ , xây đập …… Tôi nhớ lần lao động trồng cây ở rừng Đại La , tôi hướng dẫn lớp 12 B2 . Lớp này có cán bộ lớp đảm đang , hoạt động hăng say vô cùng , khi nào cũng đứng đầu trong danh sách thi đua . Được Đoàn khen nhưng ông Hiệu Trưởng lại bảo : ông T. có làm chi đâu mà khen , chỉ thấy nằm hút thuốc làm thơ mà thôi . Lần trường ra quân đông đảo đi đào hồ xây đập Phú Ninh , tôi cũng tham dự với các thầy cô trong Tổ Toán . Chúng tôi được phân trú ngụ tại trường Trần cao Vân , Tam Kỳ . Sáng sớm chừng 4 giờ sáng , kéo một đoàn xe đạp lên đường , đến hiện trường cách nơi ở gần 10 km . Chiều khoảng 6 giờ ra về , đến nơi ở là tối mịt . Đạp chiếc xe đạp tà tà , gió ban mai hiu hiu thổi mát rợi , gió buổi chiều lồng lộng đưa thoang thoảng mùi thơm của lúa của đồng ,nhiều khi tôi bỗng tìm được cho tâm hồn chút thanh bình thơ thới . Có nhiều lần , tôi ngừng xe giữa cánh đồng lúa đang xanh mơn mởn , giữa gió thổi hiu hiu , làm công việc :” nhất quận công , nhì ỉa đồng “ , thấy cuộc đời phong lưu chi lạ ! Đến hiện trường lao động , tôi đẩy chiếc xe cút kít mà các thầy cô trẻ đã xúc đầy đất lên đó , đẩy băng băng xe lên dốc , đến đổ vào một bờ đất cách nơi đi khoảng 50 m , rồi đẩy xe không chạy trở về lấy đất đổ tiếp . Cứ thế . Cứ thế . Xe này đến xe khác . Làm lu bù từ sáng đến trưa ,nhưng chỉ thấy chỗ xúc đất mới hình thành một cái rãnh cạn , chỗ đổ đất vồng lên một mô đất cao cao mà thôi. Có một lần tôi nói nhỏ với anh trưởng đoàn : làm thế này thì bao giờ hồ mới hoàn thành đây ? Sao không dùng vài chiếc xe xúc đất có phải nhanh và hiệu quả hơn nhiều không ? Anh trưởng đoàn bảo tôi : cố ý là giáo dục ý thức lao động của anh , hiệu quả thế nào không cần . Tôi biết mình đã lỡ lời nên vội im bặt ! Thấy tôi cặm cụi mồ hôi mồ kê , một vài học sinh cũ của tôi , cũng là thầy , bảo : thầy nghỉ đi , để em làm cho . Tôi lắc đầu cười rồi tiếp tục công việc của mình .Thời gian này tôi được những giây phút thư giản thật thần tiên : có trưa , tôi và anh MCT , nay đã chết , anh LMC ,nay ở Canada , học sinh cũ của tôi , cũng dạy tại PCT , mượn được một chiếc chiếu của một nhà dân trong xóm , rũ nhau ra bờ sông cạnh đó , trải chiếu dưới một lùm tre , thầy trò nằm tán dóc rồi ngủ ngon lành khi nào không biết .
Cứ thế. Cứ thế .Tôi học điều này đến điều nọ.Tôi cố gắng làm tất cả những điều mà Sở, mà Trường, mà Tổ yêu cầu .Lên lớp phải đủ 3 bước, hỏi bài phải chọn trước đối tượng, học sinh yếu thì phải hỏi vấn đề dễ để các em có thể trả lời được, để điểm số cho cao, học sinh nào trả lời ba bốn câu hỏi cũng không được thì cho mắc nợ đã, lần sau hỏi lại, có trả lời được mới cho điểm! Dạy dỗ như thế này không biết tôi đang đào tạo cho đất nước một lớp học trò như thế nào đây ? Người tôi cứ mụ đi, cứ mòn đi, cứ teo tóp lại .Thuở trước , chỉ cần giảng qua một lần, nhìn vào mắt học trò, tôi biết các em đã hiểu vấn đề tôi nêu ra.Bây giờ, mặc dầu đã thực hiện đủ các bước theo yêu cầu, đã theo đúng tất cả các phương pháp, các lời khuyên của cấp trên, mặc dù đã soạn giáo án một cách công phu, đầy đủ ,tôi lại thấy học sinh mình chẳng nắm được bao nhiêu kiến thức tôi truyền thụ .Sổ điểm tôi càng ngày càng lem nhem.Bài giảng tôi ngày càng rườm rà khó hiểu .Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn .Bao nhiêu tức bực bị dồn ép tôi đã đổ lên đầu học sinh của mình , trong giờ dạy : tôi la hét , nạt nộ, mắng nhiếc, đủ cả ! Một cái cười bâng quơ , một thì thầm không phải lúc cũng làm tôi lồng lộn lên ! Những lúc bình tĩnh lại , tôi tự an ủi : Đây chỉ là giai đoạn tạm thời thôi . Giai đoạn nào cũng có đặc điểm của giai đoạn nấy! Rồi sẽ phải thay đổi thôi . Rồi sẽ tốt đẹp thôi. Phải kiên nhẫn .Nghĩ thế nhưng sao trong lòng vẫn thấy buồn vô cùng !
Xã hội thì thay đổi đến chóng mặt . Giàu nghèo thay đổi . Nhà cửa thay đổi . Phố chợ thay đổi . Sinh hoạt thay đổi . Nhân tình thay đổi! Tôi muốn kể chuyện Chiếc xe cà tàng của tôi
Như tôi đã trình bày ở phần trên ,năm 75 , chỉ mình tôi được bố trí dạy lại tại PCT . Các bạn bè khác đều được điều động đến các trường khác cả . Trường toàn những thầy cô giáo lạ ,đông đảo nhất là đội ngũ thầy cô từ miền Bắc, Thanh Hóa , Nghệ An , …. vào . Trong nhà xe giáo viên lúc ấy , chỉ có một chiếc xe gắn máy duy nhất : chiếc Honda dame 50 của tôi , còn toàn là những xe đạp . Nhiều chiếc xe đạp có mang bảng số đàng hoàng . Nhiều chiếc xe đạp cổ lổ sỉ ,hình dáng kỳ quặc, chỉ có trơ cái ghi đông, 2 cái pédale và 2 bánh . Nhiều bánh xe được quấn quanh bằng những vòng dây cao su đen , đỏ ,ràng chặc , vì lốp quá cũ sợ ruột sẽ có cơ xì ra phình ra . Nhìn chiếc xe Honda của mình, lúc ấy còn tương đối mới,sáng bóng, đứng cạnh các chiếc xe đạp thảm thương của bạn bè,nhiều khi thấy trong lòng cũng ngại ngại. Anh X. bảo : Tổ Toán mình có chiếc xe cơ giới của thầy T. là oai nhất rồi , khi nào đi đâu gấp mượn đi cũng tiện. Anh nhìn chiếc xe có vẻ thích thú, tán thưởng, nên đã có nhiều lần tôi cho anh mượn đi vài vòng cho đỡ ghiền . Có bận anh chở thêm anh Y. , chạy vòng vòng trong sân thôi mà đã tông vào gốc cây xà cừ cuối sân làm móp cả giỏ xe , bể cả đèn , nhe răng ra cười trừ . Các anh còn trẻ nên tự nhiên hơn, thân ái hơn ,không có giữ kẻ như các thầy cô lớn tuổi. Năm 76 có thêm mấy chiếc xe Super Cup , mấy chiếc Dream đặt trong nhà xe . Năm 77 , 78 thêm mấy chiếc nữa . Những năm 80,….thì chao ôi biết bao nhiêu là xe của thầy cô dựng ở nhà xe trong giờ dạy. Chiếc nào cũng mới toanh, cũng láng bóng, cũng hiện đại, cũng là loại đắt tiền cả . Xe đạp biến đâu mất hết . Nhìn chiếc xe cà tàng của mình dựng cạnh xe của các vị, nhiều lần thấy thẹn thẹn . Bụng vẫn phục thầm : với đồng lương như vậy, với đời sống như vậy, không biết các thầy cô lấy tiền đâu để sắm xe cộ sang trọng như thế ?. Thật là một phép lạ trong muôn vàn phép lạ mà tôi chứng kiến hồi đó . Anh X. bây giờ cũng có một chiếc xe đời mới láng bóng . Nhìn xe tôi anh bảo : thầy thay xe cho rồi , ai cứ đi chiếc xe cũ mèm thảm thương như vậy hoài thế ? Mất mặt tổ Toán quá ! Tôi không biết nói sao , đành chỉ nhìn anh mỉm cười . Năm tôi về hưu , vẫn chiếc xe cà tàng ấy theo tôi về,lê lết thêm 4 năm nữa ở trường tư . Bây giờ đã xếp lại 1 góc trong căn phòng nhỏ của mình. Tuy vậy , có nhiều người hỏi mua , tôi vẫn từ chối . Thỉnh thoảng lấy ra đi một vài vòng , quanh bờ sông Bạch đằng, qua phố , qua trường ….Tiếng chiếc xe vẫn kêu vo vo ,nhẹ nhàng, êm dịu , thương yêu như thuở trước… Vừa buồn vừa chán nản , tôi làm đơn xin thuyên chuyển vào Sài Gòn . Anh H. , một người học trò cũ lớn tuổi của tôi bảo : thầy nhờ anh L. đi là được liền , anh L. thương thầy đặc biệt vô cùng đó ! Tôi mỉm cười lắc đầu . Trước đây , khi khó khăn , khi gian khổ , anh đã lôi kéo tôi , thuyết phục tôi theo anh , tôi đã từ chối . Bây giờ thấy người ta thành đạt , quyền hành , lại đến nhờ cậy ! Không nên ! Không nên ! Nghe bạn bè nói muốn vào Sài Gòn được , phải vào trong đó để “vận động “, chứ cứ chỉ xin chay thôi thì không bao giờ được đâu ! Tôi bán cái tủ lạnh Toshiba đang dùng cho các chị Nguyễn .thị .G., Cao thị Th.T , anh Phạm văn Đ .được 500.000$ rồi lên tàu vào Sài Gòn lo việc . Các anh chị này trước đây cũng đi dạy , nhưng nay bỏ dạy chuyển qua làm nghề “ buôn bán chợ trời “ .Chạy lui chạy tới , nhờ người này người nọ , đủ cả mà chẳng nên việc gì , tiền hết đành trở về ĐN đi dạy lại ! Tôi cũng muốn nói thêm : thời gian vào Sài Gòn này , tôi cũng định theo gia đình vợ ở hẳn trong đó , bỏ dạy , tìm nghề sinh sống khác . Gia đình vợ tôi , từ Đà Nẵng chạy vào Sài Gòn , trở thành một gia đình đạp cyclo . 2 người con rễ , 3 đứa con trai , thuê chung 3 chiếc cyclo rồi chia phiên nhau đi kiếm khách ! Đủ sống ! Nghĩ lui nghĩ tới , biết mình không kham nỗi nghề nặng nhọc đó , nên đành thôi . Cũng có một lần lòng tôi thấy phấn khởi bàng hòang vô cùng .Mùa khai giảng năm ấy , học sinh được lệnh đồng phục trở lại khi đến trường ! Kể từ hôm đất nước thống nhất , vì điều kiện kinh tế ,việc đồng phục của học sinh không đặt ra . Học sinh đến trường ăn mặc gì tùy thích.. Thôi thì các em mặc đủ kiểu : jean ống bó, jean ống xoè, đồ bộ ,áo bà ba , áo hoa hòe,áo quần bộ đội , ….. đủ kiểu trăm hoa đua nở . Nhiều khi đứng nhìn học sinh từ cổng toả vào sân,vào hành lang , mà thấy buồn, thấy ngậm ngùi, như đã mất đi một cái gì thiêng liêng cao quý .Chao ơi ! Sáng hôm đó tôi thấy sân trường như rạng rỡ hẳn lên, không khí như tưng bừng trẻ trung nhộn nhịp biết bao !Sân trường một màu trắng toát, lung linh trong nắng . Từ lâu tôi đã quên đi vẻ đẹp của sân trường như thế này.
Bỗng áo trắng tưng bừng muôn ngã
Để sân trường hoa lá xôn xao
Anh chợt thấy sáng nay trong nắng lạ
Cả một thời vang bóng Phan châu Trinh qua ( Một Thời Phan Châu Trinh )
Bao nhiêu kỷ niệm trở về. Bao nhiêu thương mến tràn ngập trong lòng .Niềm tin lại dào dạt trong lòng tôi, lòng tôi lại rộn rã ,khao khát được cống hiến cho tuổi trẻ .Tôi dạy dỗ hăng hái say mê như trước.Giọng giảng bài lại sang sảng , cao vút như xưa.Bài giảng lại trong sáng, lại thiết tha .Uy tín tôi lại được cũng cố, trong lòng học sinh, trong lòng phụ huynh, trong lòng đồng nghiệp, và cả trong lòng các vị lãnh đạo mới của mình . Tuy nhiên , ngày về hưu , tôi là người thầy không có danh hiệu hay huy chương giáo dục nào cả . Lãnh đạo có bảo tôi làm đơn để trường đề nghị lên cấp trên xét , nhưng tôi im lặng vì thấy mình còn nhiều tồn tại và không có công lao gì cả ! .
Rồi 10 năm đầu tiên của đời thầy lưu dung cũng trôi qua ! Trôi qua trong nặng nề bận rộn , trong trăn trở suy tư . Tôi học được thêm nhiều điều nhiều chuyện , luyện thêm được nhiều đức tính cho riêng mình . Tính trầm tĩnh , điềm đạm , im lặng , chịu đựng . Xã hội thay đổi đến chóng mặt !.Người mới càng này càng đông . Khu cư xá tôi ở có 39 hộ dân , thì có đến 38 hộ , trừ gia đình tôi ra , là người mới đến . Có lần tôi đi quanh chung cư nhìn mà giật mình ! Những người cũ đi đâu hết cả !. Người trở về quê sinh sống , người trở về Nam , người vào Sài gòn buôn bán , người lên cao nguyên trồng cà phê , trồng hồ tiêu , người đi ra nước ngoài theo diện HO , theo diện gia đình bảo lãnh ….. Chỉ có gia đình tôi cứ bám trụ ở đây . Vẫn sống như cách đây mấy mươi năm , đơn sơ , đạm bạc . Thời gian này tôi thèm bạn bè , nhớ bạn chi lạ ! Chỉ mong sao có ai đó để tri âm tri kỷ ! Bạn bè thân cùng tính cùng nết thì đi đâu cả . Có những giờ dạy , nhìn ra sân chơi , nhìn ra hành lang dài ngút mắt , tôi như thấy bạn bè một thuở đang hiện ra đưa tay vẫy. Này N.T.H trắng trẻo thư sinh , hay làm duyên , mê các truyện ngắn của Thế Uyên đáo để ! Này T.Đ.Q nước da tai tái , tài hoa, nghệ sĩ , khi thương thì nói tiếng Huế , khi cay chua thì nói tiếng Bắc .! Nay T.N.Q. đào hoa, cứ dạy một phút là đưa tay ẫy cái gương trên mắt sắp rơi xuống , giảng KIỀU hay tuyệt !Này N.N.T. dáng đi kiểu cách , trên tay luôn cầm một chiếc khăn tay trắng toát ! Này T.T.L đàn hay hát giỏi nhưng tếu vô cùng , coi cuộc đời nhẹ hễu như không . Này T. Th. mái tóc bạc phơ ,nụ cười hiền hòa , dạy văn say sưa như đang mơ màng tâm sự ! ….Còn nhiều.! Nhiều lắm lắm !..... Những tháng ngày này tôi làm thơ liên miên , sáng tác say sưa . Nhiều bài thơ về trường , về lớp , về học trò , về tình nghĩa thầy trò thiết tha , gắn bó , chan chứa !
……………… Thời gian này trí óc tôi luôn luôn căng thẳng , là thời gian tôi bị tiêu hao tâm huyết nhiều nhất. Tôi sống không trung thực . Đôi khi có cảm tưởng mình đang đóng kịch ! Sau mỗi buổi dạy, thân xác tôi mỏi mệt vô cùng, và tâm hồn như rời rã. Đó là thời gian tôi thấy dài nhất trong đời dạy học của mình .
* *
*
Thấm thoát , thời gian tôi dạy tại PCT sau 75 đã ngang với thời gian dạy trước 75 rồi ! Bao nhiêu học trò nữa của tôi ra trường , cũng bay đi cùng trời cuối đất , cũng nổi danh khắp bốn biển năm châu, không thua gì các đàn anh đi trước !
Một lần , có người bạn cũ trước dạy cùng trường PCT , nay không đi dạy lại , đến thăm . Anh hỏi tôi : Trường lớp độ này thế nào , thầy cô độ này thế nào , học trò ngày nay có như xưa không . ? Tôi bảo anh : ngày xưa học trò nhìn thầy cô với đôi mắt khâm phục , mong sao mình học hành để ngày sau được giống như thầy ! Ngày nay học trò nhìn thầy cô với đôi mắt cảm thông , mong sao mình học hành để ngày mai ra đời không giống thầy ! Trả lời bã lã cho vui ,cho xong chuyện , nhưng dù sao cũng có một phần sự thật chua chát trong đó ! Thời thế thay đổi , xã hội thay đổi thì con người cũng phải thay đổi thôi ! Thuở trước trường nhỏ , thầy ít , học trò ít nên thầy trò gắn bó thân thiết với nhau rất mực . Bây giờ thì tình gắn bó thầy trò , trường lớp không còn nữa , thầy gắng làm cho xong nhiệm vụ của mình , trò gắng làm cho tốt bổn phận của mình mà thôi .
Một chiều tôi lang thang đến thăm trường cũ . Trường bây giờ đã dời hẳn về cơ sở mới , nguy nga đồ sộ, nhưng thấy nó sao sao ấy , giống một khách sạn 5 sao hơn là một cơ sở giáo dục . Tôi thích trường học được kiến trúc theo kiểu trường Quốc Học Huế , trừng Đồng Khành ( Trưng Trắc Huế ) , trường Gia long ( Nguyễn thị Minh Khai ), trường Petrus Ký ( Lê Hồng Phong ) hơn ! Cơ sở cũ bây giờ được làm bãi giữ xe : từng hàng xe lớp lớp hàng hàng che kín cả sân . Cuối sân , vài lớp học sinh đang học thể dục ! Dãy lầu bên phải , cạnh đường Thống Nhất ( Lê Duẩn ) , là Trung Tâm Dạy Thêm , do 1 vị Hiệu trưởng cũ phụ trách tứ hơn 10 năm nay ! Các trường học bây giờ luôn được tận dụng để sinh lợi ! Bước chân vào cổng trường mới , tôi gặp một cô giáo trẻ , nguyên là học trò cũ của mình trước đây . Tôi hỏi cô giáo độ này dạy dỗ vui không , bạn bè đông đảo thân thiết không ? Cô bảo : em dạy tại lầu 4 , lầu 5 , mỗi lần leo lên lớp mỏi nhừ cả chân nên cứ ngồi ỳ trong lớp miết , có dám đi đâu đâu thầy ! Gặp một em học sinh ở cầu thang , tôi hỏi ; có biết cô L. còn dạy đây không , có giờ dạy sáng nay không ? Em bảo em chỉ biết mặt các thầy cô dạy lớp mình mà thôi , ngoài ra mù tịt ! Ngay cả thầy Hiệu Trưởng em cũng chỉ vài lần thấy mặt xa xa ! Định lên phòng Hiệu trưởng tìm thăm anh L.P. K., một người học trò cũ của mình cách đây 40 năm , đang là Hiệu Trưởng của trường . Anh là Hiệu trưởng có thời gian công tác ở PCT lâu nhất , so với tất cả các vị Hiệu trưởng tiền nhiệm ! Không gặp vì anh bận đi họp .
Bước từng bước nhỏ ra về , tôi nghĩ thầm trong lòng : mình là người thầy may mắn nhất , hạnh phúc nhất , đã được dạy tại ngôi trường này thời gian dài , thuở mà tình thầy trò , tình bạn bè , tình trường lớp gắn bó tha thiết chân thành nhất !
Mới chiều hôm qua ,một người bạn thơ ghé thăm. Anh gục mặt vào vai tôi , nước mắt tự nhiên chảy ròng ròng , anh vốn là người đa cảm :
- -Anh tài thật ! Học sinh cũ bên này cũng mến anh , học sinh cũ bên kia cũng mến anh .Tôi có đọc được các Đặc san kỷ niệm ngày thành lập PCT 45 năm , 50 năm ,55 năm , 60 năm,vừa trong nước , vừa hải ngoại . Đặc san nào cũng nhắc đến anh rất nhiều , với những lời lẻ thiết tha , trìu mến vô tả , đầy ấp tình cảm ! Nhiều trang web , nhiều trang blog , trong nước cũng như ngoài nước đã để hẳn ra một mục để post thơ anh , bài của anh ! Anh được học trò trong nước thương , học trò ngoài nước cũng thương ! Anh làm sao được như vậy ?!
Tôi yên lặng không biết trả lời ra sao cả .
Từ năm 70 tuổi , tôi quyết định lui về sống ẩn dật hòan tòan Không đến những nơi ồn ào đông đảo nữa . Tôi chẳng đi đâu cả , chẳng giao du với ai cả ! .Ngay cả khi trừơng thân yêu PCT của mình gọi đến làm đơn gia nhập Hội Hưu Trí PCT, tôi cũng chẳng đến . Đã đành tôi không thích cái vô lý là một người thầy dạy ròng rạ 40 năm tại PCT , về hưu trí tại PCT ,mà khi muốn gia nhập hội hưu trí thì phải làm đơn xin, mà còn vì tôi không muốn mình mang tâm trạng đang vớt vát đang bòn mót tuổi xưa của mình !
Mùa thu thì lá phải vàng
Xa trường nghĩa nhạt tình tàn đúng thôi !
Vẫy tay vĩnh biệt cho rồi
Còn về tìm chút hương ôi làm gì !
Ban ngày tôi đọc sách , làm thơ, ban đêm tôi ngồi thiền , buổi sáng lang thang khi bờ sông , khi bãi biển , lấy cớ là đi bộ tập thể dục , nhưng chính là để tìm thanh thoát , nhàn nhã cho tâm hồn !
Thỉnh thoảng tôi bỏ biển bỏ sông , đi lang thang qua các đường phố tinh mơ vắng người , đi qua ngôi trường cũ một thời 40 năm của mình còn chìm trong sương sớm . Thường tôi đứng tưa vào gốc cây sao gần cổng , chìm đắm trong suy tư , trong kỷ niệm !Nhìn sân trường lá rụng đầy , nhìn hành lang lớp học im lìm , nhìn hàng cây đong đưa trong gió , nhìn mái ngói rêu phong , thấy lòng nôn nao vô tả.
Cả một đời anh ở nơi đây
Nhớ từng ngọn cây thương từng ngọn cỏ
Kỷ niệm trên mỗi mét vuông bé nhỏ
Thân thiết từng viên sỏi đá trên sân….
Kìa là hành lang tôi đi , kìa là bậc thềm tôi ngồi , kìa là lớp học tôi dạy giờ đầu tiên , kìa là bảng đen tôi viết buổi dạy cuối cùng …… Tôi đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình nơi đây , vui có ,buồn có , thương có ,ghét có , không đắn đo , không toan tính , không mưu toan , không ích kỷ .. Yêu hết mình , làm nhiệm vụ hết mình , chưa hề có hành động nào trái lương tâm , luôn luôn giữ gìn nhân cách , không quỵ lụy , không cúi lòn . luôn luôn ngẩng mặt cao đầu , không tự tôn cũng không tự ti ! Lớp nào tôi cũng thương ! Em nào tôi cũng nhớ !Tôi thương học sinh lớp dạy đầu tiên , những Tuần , Hải , Trí , Ý , Nam , Giao , Tính , Đồng , Khôi ,Thương , Nguyệt , ….. các em đã cho tôi niềm tin yêu về tình thầy trò son sắt ! Tôi cũng thương những học sinh lớp dạy cuối cùng , những Vân , Diễm , Quỳnh , Ngọc , Giang , Công , Nhân , Vũ , Kiên, …… các em đã cho tôi biết tình khắng khít mặn nồng , niềm cảm thông chia sẻ, thấy tôi khóc khi nói lời giả biệt bỏ trường mà đi lần cuối cùng , tất cả đã khóc theo !! Lớp nào cũng để lại trong lòng tôi những tình cảm chân thành , thắm thiết ! Khi trời đã hửng sang , tôi quay lưng vẫy tay chào rồi chậm chậm ra về , nhủ thầm trong lòng :
Thôi nhé ! Thời mình như đã qua
Nhường đời cho lớp trẻ tài ba
Này em ! Đất nước này hoa gấm
Hãy dệt cho thành gấm vạn hoa !
Dà Nẵng , 12-2012 .
TRẦN HOAN TRINH
( trích Hồi Ký MỘT ĐỜI THẦY , MỘT ĐỜI THƠ )
****************
|
Xin phép được copy bài này đem về Điểm Hẹn 71- 75.
Trả lờiXóa